Tuesday, May 31, 2016

Diễn văn của ông Obama đọc tại Hà Nội - một bài ca hay nhưng lỗi nhịp.

Dư âm chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama, được báo chí gọi là “cơn sốt Obama”, mãi đến hôm nay vẫn còn âm ỉ trong lòng người dân Việt nam và cả những đảng viên Cộng sản. Với bài diễn văn lôi cuốn đọc trước hai ngàn người tại Hà Nội, ông không chỉ được ái mộ như một nhà chính trị đa tài, mà còn là một nhà văn hóa lỗi lạc, làm rung động lòng người. Chuyện ăn bún chả ở một cái quán bình dân, cũng như chuyện dừng xe ở làng quê dưới cơn mưa, nói chuyện và bá vai chụp ảnh với mấy người dân lao động, mặc dù ai cũng nhận ra đó là những màn kịch, nhưng ông thực sự đã khuấy động được trái tim của hầu hết mọi người. Khi vào Sài gòn, qua cuộc tiếp xúc với những người trẻ, ông càng chứng tỏ sự hoạt bát, đa tài, bình dị và thân thiện. Rời khỏi Việt Nam, ông đã để lại cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hình ảnh của một người lãnh đạo lý tưởng, đáng yêu, đáng kính nhất. Từ ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, lời nói, nhất cử nhất động của ông dường như đều có chủ đích. Và ông đã thành công mỹ mãn.
 
Ông đến như một đợt sóng bất ngờ xua đi những bãi bờ hoang tàn, nhớp nhơ cũ kỹ, như điệu nhạc huyền dịu làm tan đi cái không khí nặng nề, u ám. Người ta đã mê ông, đã mê Mỹ như là biểu tượng của Tư Bản, của Tư Do Dân Chủ. Điều quan trọng hơn là từ đây trong lòng người dân Việt Nam in đậm hình ảnh một nhà lãnh đạo thần tượng mà họ đã khao khát hơn 41 năm qua, từ khi chế độ Cộng Sản man rợ bao trùm trên cả nước.
Những kẻ lãnh đạo mà người dân đã bị áp đặt, không có quyền được chọn lựa, hầu hết là những người bất tài, thiếu đức, độc tài, hống hách, tham nhũng và bán nước. Họ xem những lãnh tụ bây giờ là đám tham quan tồi tệ nhất trong lịch sử dân tộc. Một đám sâu dân mọt nước.
Chỉ một ngày, sau khi Ông Obama rời khỏi Việt nam, một hình ảnh tương phản rất quái đản đã được phổ biến khắp nơi, trên mạng, face book, cũng như trên một số báo chí trong nước. Một ông quan CS (cỡ nhỏ) từ trên xe “con” bước xuống lúc đường ngập nước, được hai đồng chí đàn em mang hai chiêc ghế đến để ông  bước lên, sau đó ông quan bá cổ một tên đàn em khác để được cõng vào lề đường. Người dân vừa có một so sánh lý thú, làm đám cán bộ càng thêm nóng mặt!
Nhiều người Việt hải ngoại cũng hết lời ca ngợi ông Obama,  đánh giá rất cao sự thể hiện và tác động của ông đối với mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam, trên nhiều lãnh vực: tư do, nhân quyền, biển Đông, và đặc biệt là phong cách lãnh đạo.  Một số cho là chưa có nhân vật nào làm cho người dân Việt Nam mê Mỹ, thần tượng Mỹ như là TT Obama đã làm. (Mà mê Mỹ đồng nghĩa với mê Tự Do, Nhân Quyền!) Ông Obama đã "khuấy động" được trái tim của hầu hết người dân Việt Nam, kể cả những người CS. Đó là cuộc "diễn biến hòa binh" tiềm ẩn nhưng thành công nhất của một vị TT Hoa Kỳ. Người dân trong nước đã bỏ phiếu giữa Tự Do và Cộng Sản. Cũng có người bất bình, trách ông sao không đề cập đến chuyện cá chết, chuyện các nhà đấu tranh bị giam giữ, tù đày, chuyện trấn áp, đánh đập những người biểu tình ôn hòa.  Nhưng cũng có người thông cảm cho vai trò “quốc khách” của ông . Chuyện dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, hay Hiệp ĐịnhTPP, có thể đều kèm theo những ràng buộc nào đó và cái giá phải trả của nó.  Đã chính trị là phải thủ đoạn, khó mà lường trước được kết quả hay hậu quả của người nhận. Cũng có thể đã có những phản đối, đòi hỏi, trao đổi đặc biệt khác, nhưng không  được công khai vì sự tế nhị của ngoại giao. Hơn nữa là một Tổng Tống Mỹ, ông chỉ làm điều gì có lợi cho chính nước Mỹ. Như trong bài diễn văn tại Hà Nội, ông đã khẳng định là “ đất nước của các bạn nằm trong tay của các bạn, do chính các bạn định đoạt!” ...
 
Riêng cá nhân tôi, khi theo dõi bài diễn văn được mọi người ca ngợi, tôi cũng ít nhiêu cảm kích, cũng thầm ngợi khen cả bài diễn văn ( tất nhiên không phải do ông viết) lẫn cách thể hiện của ông. Tôi thích thú khi nghe ông nói, sỡ dĩ có cuộc chiến đẫm máu trước kia là do nỗi sợ Cộng sản, và ông bùi ngùi chia sẻ những hy sinh mất mát cho cả hai bên Mỹ- Việt.
Nhưng với tôi, bài diễn văn ấy vẫn chưa đủ, chưa làm cho cá nhân tôi thấy hấp dẫn và cảm phục . Tôi nhận ra một lỗ hổng, một món nợ khác mà người Mỹ, chính phủ Mỹ còn nợ dân chúng miền Nam Việt Nam trong vai trò một đồng minh, mà nhiều vị Tổng Thống Mỹ, đại diện, đã từng long trọng cam kết sẽ bảo vệ, ngay cả khi buộc Nam Việt Nam ký vào Hiệp Định Paris ngày 29.1.1973. Một bàn hiệp định bất công, tồi tệ mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cực lực phản đối!
Là người Việt Nam, tôi luôn hiểu là đất nước tôi do người Việt nam chúng tôi quyết định. Việc để mất miển Nam là do trách nhiệm của người miền Nam, đặc biệt là của chính phủ và quân đội Nam Việt Nam. Nhưng rõ ràng chính phủ Mỹ đã phản bội lời hứa, đã đồng lõa với kẻ thù để đẩy Nam Việt Nam vào bước đường cùng. Chính ông Martin, vị đại sứ Mỹ cuối cùng tại Sài gòn đã công nhận và nói trước Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ là “chúng ta đã có lỗi với họ, đã phản bội họ. Phản bội Nam Việt Nam là vết ô nhục lớn nhất của lịch sử Hoa Kỳ.” Sau này nhiều vị tướng lãnh, chính khách và nhà sử học Mỹ cũng nói lên những điều tương tự.
 
Hôm nay, Mỹ đã làm bạn với Việt Nam CS, Quốc Hội và Chính Phủ Mỹ đã dỡ bỏ rào cản cuối cùng để bắt tay với kẻ cựu thù, trở thành “đối tác toàn diện”, “đối tác chiến lược”. Trong bài diễn văn được ca ngợi là một tuyệt tác”văn hóa”, ông Obama kêu gọi “ hãy quên quá khứ để hướng tới tương lai” khi trích dẫn cả lời trong bài hát của Nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài quốc ca CS “ từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người” (mặc dù người nhạc sĩ này đã bị chính những đồng chí của ông cầm tù, hành hạ suốt gần cả một đời), và cả bài ca Nối Vòng Tay Lớn, mà chính tác giả phản chiến (và phản bội) Trịnh Công Sơn đã hát trên đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30.4.75, khi CS vừa cưởng chiếm miền Nam.
Khi ông Obama được chính quyền CS đón tiếp trọng thị, được dân chúng Việt nam ngợi ca như một thần tượng của Hòa Giải, của Tự Do, thì hơn 10.000 nấm mồ của những tử sĩ miền Nam VN bị hoang phế phá hũy trong Nghĩa Trang Quân  Đội Biên Hòa ( đã bị thay tên), và hàng vạn thương phế binh VNCH đang sống khốn cùng ở trên chính quê hương mình. Cả tử sĩ và những người lính miền Nam tàn phế già nua ấy vẫn đang bị kẻ chiến thắng tìm mọi cách hành hạ, sĩ nhục.  Và biết bao người dân miền Nam xưa giờ vẫn khốn khổ trên quê nhà. Họ đã mất gần như tất cả, nhà cửa, tiền bạc và cả tương lai con cháu bởi sự phân biệt đối xử . Ai sẽ chìa những bàn tay ra với họ, ai sẽ nói với họ “từ đây người biết yêu người”?
Cám ơn ông Obama đã thức tỉnh được đồng bào Việt Nam tôi trong nước, đã thổi vào trái tim họ một luồng sinh khí mới của Tự Do, nhưng ông vẫn còn nợ người dân miền Nam một lời xin lỗi. Và bài diễn văn của ông, được nhiều người ngợi ca, với tôi chỉ là một bài ca lỗi nhịp!
 
Phạm Tín An Ninh

Tuesday, May 10, 2016

Huyền Thoại Biệt Kích Cowboy



 Khánh Đoàn ngồi giữa với V for Victory

Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số: 3810-17-30310vb3050316

Tác giả Orchid Thanh Lê hiện làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (DLIFLC) tại Monterey, California, có nhiệm vụ hỗ trợ tiếng Việt cho Văn Phòng Tìm Quân Nhân Mỹ Mất Tích Trong Chiến Tranh Việt Nam (DPAA). Bài viết dưới đây là sự tường thuật về một cuộc phỏng vấn của tác giả với một chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ thường được ca tụng với biệt danh “Cowboy” từ giới Biệt Kích Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.

* * *

blank
Xin vinh danh sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ trong công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Một buổi sáng khi lớp học bắt đầu, tôi háo hức nói với người sinh viên:
- Tôi vừa nhận được một điện thư có thông tin liên quan về hồ sơ ngày 28 tháng 3 năm 1968 từ một người ký tên Cowboy Khánh Đoàn.
Bất ngờ anh sinh viên bật dậy từ ghế ngồi, chồm lên phía trước với vẻ mặt rạng rỡ:
- Cowboy Khánh Đoàn ư? Chúng ta gặp may rồi vì sẽ được thêm nhiều thông tin hữu ích. Cô có biết rằng Biệt Kích Mỹ thời chiến tranh Việt Nam khi nghe đến tên “Cowboy Khánh Đoàn” thì ngả mũ khâm phục không?
- Tôi nào biết! Chẳng phải Cowboy chỉ là một chàng trai đội mũ rộng vành, đi ủng có gắn miếng thép ở gót để thúc ngựa, mặc quần jean Levi's hoặc quần da, cưỡi ngựa giỏi, hay tham gia đấu súng và bắn giỏi bằng cả hai tay, uống rượu trong quán nơi thường xảy ra các cuộc xung đột đó sao?
- Chưa đủ cô ạ. Rộng hơn, Cowboy còn có nghĩa là một người hùng thích phiêu lưu bất kể mọi tình huống hiểm nguy, theo đuổi một nghề nghiệp đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ và lòng can đảm phi thường; nhất là từ khi hàng loạt phim Hollywood về miền Tây hoang dã ra đời thì hình ảnh chàng chăn bò dần được thay thế bằng hình ảnh một chàng trai hành hiệp trượng nghĩa chiến đấu chống lại cái ác.
- Vậy huyền thoại Cowboy của lịch sử Mỹ có liên quan gì đến Cowboy Khánh Đoàn?
Nghe tôi thắc mắc, anh sinh viên mỉm cười:
- Dĩ nhiên tôi có thể kể cho cô nghe những điều tôi biết về người Biệt Kích Lôi Hổ với biệt danh “Cowboy” này nhưng nếu cô hỏi ngay nhân vật chính thì chẳng phải nhiều lý thú hơn sao?

Phải đấy, tôi thật sự muốn biết về Biệt Kích Lôi Hổ nói chung và người có biệt danh Cowboy nói riêng. Tôi tự tìm hiểu sơ qua về Biệt Kích Lôi Hổ trước khi liên lạc với người mình muốn chuyện trò.
Bối cảnh thành lập Biệt Kích Lôi Hổ bắt đầu từ đầu năm 1964 khi Mỹ muốn giúp Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát và phá hủy những mật khu và đường mòn Hồ Chí Minh mà Bắc Việt dùng để chuyển quân và vũ khí với ý đồ thôn tính miền Nam.

Để tránh vi phạm luật lệ qui ước về hiệp định chiến tranh quốc tế ký kết tại Genèva năm 1954, Mỹ thành lập Đơn Vị Nghiên Cứu và Quan Sát thuộc Bộ Chỉ Huy Trợ Giúp Quân Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (Military Assistance Command Vietnams Studies and Observation Group – MACVSOG) mà trong đó những thanh niên khỏe mạnh, tinh nhuệ, đa số là người Nùng, được chọn để trở thành Biệt Kích Lôi Hổ. Việc huấn luyện, lương hướng, quân trang, quân dụng do Đơn Vị Nghiên Cứu và Quan Sát cấp phát và được hưởng qui chế tương đương như những quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ phục vụ tại Việt Nam.

Những gì tôi biết về Biệt Kích Lôi Hổ quá ít ỏi. Cowboy lại kiệm lời, kín đáo, không dễ khơi chuyện. Ngoài những thông tin ông cung cấp nhằm hỗ trợ công tác của Văn Phòng tôi đang trợ giúp, ông không thổ lộ gì hơn. Cuộc nói chuyện qua điện thoại với ông dẫn đến điều tôi muốn biết nhân vật lịch sử nào mà Cowboy yêu thích thì được ông trả lời bằng câu hỏi ngược lại:

- Thế cháu có biết cuốn phim “PT-109” mà trong đó chú thần tượng nhân vật cựu tổng thống Kennedy vào thời điểm đó mới mang cấp bậc trung úy Hải Quân?
- Dạ, có chứ! Cháu còn nhớ sự kiện PT-109 đã đi vào âm nhạc Mỹ với sáng tác mang tên “PT-109” của Jimmy Dean.

Cuốn phim dựa trên nội dung câu chuyện thật của cựu tổng thống Kennedy được sản xuất từ năm 1963 đã đi vào lòng người xem những cảm xúc nhất định. Chú cháu tôi hào hứng nối tiếp nhau nhắc lại nội dung câu chuyện:

“PT-109 là sự kiện chìm tàu phóng ngư lôi mà thuyền trưởng là cựu tổng thống Kennedy đang mang cấp bậc trung úy vào năm 1943 thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sứ mệnh của tàu phóng ngư lôi là di chuyển sát với một tàu khu trục Nhật Bản ở Solomons trong bóng tối và sau đó tấn công bằng ngư lôi. Sinh hoạt trong vùng chiến sự ở Nam Thái Bình Dương luôn đầy hiểm nguy, khó khăn và thiếu thốn. Tàu PT-109 của trung úy Kennedy không có liên lạc bằng vô tuyến, không được trang bị dẫn đường bằng radar trong lúc bị tàu khu trục Amagiri của Nhật Bản cắt ngang qua mũi tàu theo đường chéo.

blank
Xin vinh danh sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ trong công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Trung úy Kennedy ngã nhào xuống, va vào vách ngăn thép. Hai thủy thủ mất tích. Bảy người bị rơi xuống vùng biển đầy cá mập trong tiếng la hét hoảng loạn. Còn 11 người, họ bấu víu vào vòm tàu bị lật úp, lênh đênh cả đêm trên biển Thái Bình Dương, xung quanh là các hòn đảo của kẻ thù.

Không thức ăn, không nước uống, không sóng vô tuyến, không bè cứu sinh, không thuốc men. Tất cả đã bị dạt tứ tung trên mặt biển. Tàu trôi chậm về phía nam. Khi nhận thấy tàu sắp chìm, họ quyết định bỏ tàu và bơi vào bờ. Trung úy Kennedy dùng răng giữ dây buộc phao cứu sinh của một thủy thủ bị bỏng nặng và cõng người này trên lưng, bơi về phía hòn đảo cách đó gần sáu ki-lô-mét.

Họ mệt lả, kiệt sức khi tới được hòn đảo hoang vắng. Họ phải bò vào các bụi cây để trốn tàu của Nhật. Trên đảo không có thức ăn, nước uống, không có gì có thể tận dụng được nhằm duy trì sự sống. Hòn đảo là một cái bẫy tử thần mà đường kính chỉ vỏn vẹn 91 mét. Trung úy Kennedy quyết định bơi từ đảo này đến đảo khác để tìm xem có tàu PT nào đi ngang qua không. Cuối cùng, anh đã dẫn cả đội tới đảo Olasana và thủy thủ đoàn PT-109 được cứu thoát.”

Hiển nhiên là cuốn phim đã ảnh hưởng sâu đậm đến định hướng binh nghiệp của Cowboy: chọn Biệt Kích Lôi Hổ để chiến đấu với kẻ địch, với bệnh tật, với thiên nhiên, để trải nghiệm mưu sinh thoát hiểm, và để được trui rèn trong nghiệp vụ tình báo và kỹ thuật tác chiến.

Nghe tôi nhất định nhận là có chung họ Hồng Bàng với ông và nằn nì ông kể thêm về Biệt Kích Lôi Hổ nhằm hiểu đúng hơn, Cowboy phải bật cười:

- Vậy thì chú sẽ bắt đầu từ kỷ niệm đầu tiên lúc gia nhập Biệt Kích.

Ngày ấy chàng trai vừa được tuyển mộ đang trong thời gian chờ đợi để đơn vị tuyển đủ quân số cho trung đội. Buổi trưa ngày thứ ba tại Sở Liên Lạc, anh bước vào khu nhà ăn đến quầy lấy thức ăn bỏ vào khay và quay tìm chỗ ngồi. Phòng lớn phía ngoài chật cứng, chỉ còn chỗ trống trong phòng nhỏ được ngăn bởi bức tường cao ngang thắt lưng có bảng hiệu chữ O gắn trước cửa (khu vực dành riêng cho sĩ quan) ở xa hướng tay phải. Với khay thức ăn trên tay, anh điềm nhiên bước đến chỗ ngồi nơi góc tường. Lúc anh vừa bắt đầu ăn thì có anh nhà bếp người Mỹ da ngăm, khá to con tiến đến bàn anh.
- You cannot sit in this room. (Anh không được ngồi trong phòng này.)
- Let me finish my lunch, please. (Xin để tôi ăn trưa xong cái đã.)
Anh chàng Mỹ xem chừng giận dữ, quát lên như ra lệnh:
- No. Stand up! Get out of the room now or I'll punch you out of here. (Không được. Đứng dậy ngay! Bước ra khỏi phòng ngay bằng không tao thụi cho mày ra khỏi đây.)

Bất cần. Ông bà ta có câu “Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Anh thản nhiên vừa ngồi ăn vừa nhớ lại lời của mấy tay Nùng dặn nhau chỉ mới cách đây một, hai hôm: “Đi lính Lôi Hổ mà không ba gai là bị đuổi về không được nhận đâu!”

Thình lình anh nhà bếp phóng tới chộp tay trái anh định lôi tuột ra khỏi phòng. Với phản ứng tự nhiên, anh đưa tay lên đỡ gạt bằng cách chặt ngay đúng huyệt nơi cườm tay của hắn ta cùng lúc tiện thể đứng dậy thả cùi chỏ tay còn lại ngay ngực hắn trong chớp mắt. Đòn trúng nhẹ nhàng nhưng hắn đã phải loạng choạng thối lui. Anh bình thản nói với hắn:

- You don't have the right to do that. I must protect myself. (Anh không được quyền làm thế. Tôi buộc phải tự vệ thôi.)

Tay phải anh vói cái ghế sắt để thủ thân (thật không uổng phí công lao của bố mẹ cho đi học võ thuật từ lúc chín tuổi để cường tráng thân thể), lúc này có anh Mỹ khác ngồi cách hai bàn đứng dậy nói to như hét:

- Take it easy, you guys! (Mọi chuyện ổn thôi, các bạn!)
Rồi anh ta quay sang anh nhà bếp:
Let me take care of it! (Để tôi lo!)
Anh nhà bếp xụi lơ, bỏ đi.
Anh chàng Mỹ mới này khoảng trên dưới 30 tuổi, trông sáng sủa, cao ráo làm sao! Anh ta bưng khay thức ăn của mình bước đến bàn anh ngồi, nói năng lịch sự:

- May I sit here? (Tôi ngồi đây được chứ?)
- Certainly! (Đương nhiên rồi!)
- Are you a fresh soldier? I havent seen you before. (Lính mới hả? Hồi nào đến giờ tôi chưa thấy anh.)

Không để anh kịp trả lời, anh chàng Mỹ điển trai tiếp tục nói, “Thôi chúng ta nói bằng tiếng Việt đi. Anh có biết đây là phòng ăn của sĩ quan không? Anh muốn làm sĩ quan hả? Tôi là Trung úy Lực Lượng Đặc Biệt chính gốc, chịu trách nhiệm tuyển mộ và huấn luyện trung đội tân binh này, nhưng chưa tìm ra thông ngôn. Tôi nghe anh đối đáp với anh John nhà bếp khá sành sõi tiếng Mỹ, nên có thể nào cho tôi nói chuyện bây giờ với anh như một cuộc phỏng vấn không?”

Thế là cuộc phỏng vấn bất ngờ diễn ra. Đoàn Văn Khánh quê ở Chương Nghĩa Đoài, gần Bùi Chu, Phát Diệm, di cư vào Nam cùng với gia đình năm 1954. Khánh được gia đình cho theo học Pháp ngữ cấp tiểu học. Lên đến trung học thì bố Khánh, một người thức thời, khuyên anh nên chọn theo học Anh ngữ. Khánh đã có thể hưởng một cuộc sống an phận: anh là con trai độc nhất trong gia đình, có giấy chứng nhận sắc tộc thiểu số nên anh được miễn dịch. Tuy nhiên, bản chất khí khái không cho phép Khánh chấp nhận như vậy. Anh muốn làm nhiệm vụ người trai thời chiến bằng cách xếp bút nghiên gia nhập Biệt Kích hầu dễ dàng thoả chí tang bồng.

Cuộc đàm thoại thay cho phỏng vấn kết thúc với biên bản ký nhận hoán chuyển tình trạng hồ sơ của Khánh từ làm lính Biệt Kích chỉ mới ba ngày thành làm thông ngôn. Khánh bắt đầu làm quen với bộ quân phục đồ beo nút đồng, mũ bành to vè, và khẩu Revolvo (Ru-lô) nòng dài và giây đạn (có nhét đạn chung quanh) đeo lủng lẳng. Trông ra dáng một Cowboy oai hùng.

Tôi nối tiếp cuộc nói chuyện bằng câu hỏi:

- Cháu nghe nói tân binh Biệt Kích Lôi Hổ được đưa đến huấn luyện tại các căn cứ tiền đồn hoặc kế bên các trại Lực Lượng Đặc Biệt dọc theo hành lang biên giới như Khâm Đức, A-Shau, hay Khe Sanh, phải không ạ?

- Đúng đấy, nhưng Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng tại Long Thành là nơi trắc nghiệm, tuyển chọn lại và cấp giấy chứng nhận mỗi khóa huấn luyện cho Biệt Kích Lôi Hổ. Đôi khi Biệt Kích cũng được gởi đến các quân trường khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để có giấy tờ phù hợp chuyên ngành. Những căn cứ huấn luyện này tùy thuộc vào mục tiêu của các nhiệm vụ để cung cấp huấn luyện cần thiết: Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù thì cấp bằng dù, Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ chuyên huấn luyện về chiến thuật hành quân biệt động như rừng núi sình lầy hay hành quân viễn thám, Trung Tâm Huấn Luyện Lực Lượng Đặc Biệt tại Đồng Bà Thìn phụ trách huấn luyện dây tử thần, bắn tỉa, vân vân.

- Biệt Kích Lôi Hổ cũng nhận huấn luyện căn bản tương tự như bao binh chủng khác, phải vậy không chú?

- Đại loại, huấn luyện căn bản của Biệt Kích Lôi Hổ bao gồm huấn luyện vũ khí đủ loại, di hành, cứu thương, mìn bẫy, mưu sinh, thoát hiểm, phản ứng cấp thời, bắt tù binh, võ thuật cho cận chiến, thậm chí đôi lúc có võ sư tiếng tăm ngoại quốc được thuê về dạy.

blank
Xin vinh danh sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Biệt Kích Lôi Hổ trong công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam.

Cowboy cho biết thêm rằng Biệt Kích Lôi Hổ còn được huấn luyện tự do theo sở thích và khả năng để trở thành điêu luyện bằng cách học hỏi từ bậc đàn anh. Tốp tân binh nghe đi tập bắn thì khoái chí, mang một lần bốn thùng đạn, đến bãi bắn có đàn anh hướng dẫn, chỉ cách tháo, ráp súng tại chỗ và tập bắn vào bia bằng các-tông; dùng đại liên và súng lục bắn cho hết bốn thùng đạn, bắn tự do thoải mái chứ không theo bài bản như ở các quân trường: “Một viên đạn nạp. Nhắm từ lỗ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi. Nín thở. Bóp cò.” Tối về tai người nào người nấy rát bùng, cấp chỉ huy quát gọi cũng chẳng nghe. Vài hôm sau được gọi đi tập bắn tiếp, tân binh rút kinh nghiệm chỉ mang một hoặc nửa thùng đạn, che bít hai tai, bắn kiểu tự do như trong xi-nê, tập đi tập lại cho đến khi bắn không cần phải nhắm mà vẫn trúng đích. Sau vài lần huấn luyện di hành, nếu cảm thấy nặng thì đổi súng khác nhẹ hơn, và cuối cùng đối với bất cứ loại súng gì (của địch lẫn của ta) Biệt Kích đều sử dụng rành rẽ.

Càng nghe càng hiếu kỳ, tôi hỏi thêm:

- Thế huấn luyện Biệt Kích Lôi Hổ có khác biệt cụ thể nào so với các binh chủng khác, thưa chú?
- Sự khác biệt ở chỗ là Biệt Kích Lôi Hổ được huấn luyện hàng ngày hàng giờ mà chính bản thân họ cũng không ý thức được là đang được huấn luyện. Qua sinh hoạt đời thường, họ được các toán trưởng Mỹ ngầm quan sát để hướng dẫn những bài học tình báo, thử thách lòng dũng cảm, sự nhạy bén khôn ngoan, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm biết bảo tồn danh dự và hy sinh cho chiến hữu, vân vân.
- Lý thú lắm, chú ạ!
- Thêm một khác biệt nữa là Biệt Kích Lôi Hổ không được huấn luyện quân cách như diễn hành hay chào kính bởi vì càng che dấu tông tích nơi công cộng thì càng dễ dàng thi hành phận sự.
- Quả là Biệt Kích Lôi Hổ phải trải qua bao thực tế để khả năng và thành tích chiến đấu được xem xét, trắc nghiệm và đánh giá kỹ lưỡng; do đó để được công nhận là một Biệt Kích Lôi Hổ xuất sắc trong toán thám sát ắt là một thử thách lớn.
- Không sai. Đã có biết bao tay giang hồ ngang tàng gia nhập Biệt Kích Lôi Hổ mà cũng phải đào ngũ ngay từ thời gian đầu huấn luyện. Cháu biết đấy, an toàn sinh mạng luôn là hàng đầu ở bất cứ tình huống nào cho nên mỗi lần nhận nhiệm vụ, Biệt Kích Lôi Hổ đều phải thực tập đội hình, vũ khí tác xạ, điều nghiên địa thế, khí hậu, phương tiện và vị trí di chuyển, phân công, cứu thương, vân vân. Các toán viên phải bảo đảm phối hợp hành động ăn ý dù chỉ thể hiện qua ánh mắt hoặc bằng cử chỉ để hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp.

Chuyển sang khía cạnh quyền lợi của Biệt Kích Lôi Hổ, tôi thẳng thắn hỏi ông:

- Phía Mỹ đãi ngộ Biệt Kích Lôi Hổ ra sao, thưa chú?
- Tùy theo toán trưởng Mỹ đề nghị dựa vào thành tích đạt được mà phía Mỹ tăng lương. Thỉnh thoảng có tháng Biệt Kích Lôi Hổ được lãnh lương hai lần, cũng có tháng lên đến ba lần. Chuyện khó tin nhưng vẫn xẩy đến với Biệt Kích Lôi Hổ của các toán thám sát. Bởi thế ở Huế có câu hò rằng “ơ...ơ... khi mô sông Hương cạn nước ơ...ơ... thì Lôi Hổ mới hết tiền”.

Tôi hỏi Cowboy về chuyện thăng cấp của riêng ông và được biết sau vài chuyến di hành huấn luyện vào sâu mật khu bên kia biên giới, cũng có những lần đụng địch quân, Cowboy được thăng cấp bậc là Trung úy Biệt Kích Lôi Hổ. Trung đội trưởng long trọng gắn hai baza màu đỏ bên hai cầu vai của Cowboy trước hàng quân.

Cowboy kể thêm rằng những lần đi công tác hay về phép Biệt Kích Lôi Hổ không phải qua bất cứ hệ thống kiểm soát nào của phi trường và cũng không phải chờ đợi. Xe của Đơn Vị Nghiên Cứu và Quan Sát sơn màu đen không có bảng số, chỉ treo một cái thẻ bằng cỡ căn cước, ra vào cổng phi trường trình cho Quân Cảnh xem là được ngoắc tay cho đi qua.

Tôi nghe đến đây thì buột miệng:

- Kể thì oai quá!
- Thật ra Biệt Kích Lôi Hổ như tụi chú rất giản dị và bình thường, tương tự như bao người lính khác của các binh chủng oai hùng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; hoặc e là không bằng họ nữa là khác.
Vẫn lời lẽ khiêm tốn, Cowboy không quên nhấn mạnh rằng những chiến tích mà các toán thám sát Lôi Hổ lập nên còn được sự yểm trợ của những đôi cánh thép trong các chuyến bay thả biệt kích dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh của Phi Đoàn Thần Phong 219. Phi đoàn 219, hậu thân của biệt đoàn 83, tăng phái cho Đơn Vị Nghiên Cứu và Quan Sát, được phi công của hai phía Việt-Mỹ và các Biệt Kích biết dưới danh hiệu “Kingbee”. Mặc dù không trú đóng cùng căn cứ với Biệt Kích nhưng mức độ hiểm nguy của nhiệm vụ thả và bốc toán của phi đoàn 219 không thua gì nỗi chết rình rập bên Biệt Kích Lôi Hổ. Các phi công Thần Phong gan dạ và tài tình, bất kể thời tiết xấu hay đạn pháo đối phương bủa vây vẫn bằng mọi cách đáp xuống để đem Biệt Kích và xác chiến hữu ra khỏi vòng vây địch.

Ông đồng thời nhắc đến một nhân vật anh hùng trong Phi Đoàn Thần Phong 219 cũng được mệnh danh là “Cowboy”.

- Thế còn chú thì sao? Cháu được biết một nhiệm vụ mà chú thi hành đã có mã “Cowboy” để liên lạc truyền tin. Nhưng từ lúc nào và tại sao biệt danh “Cowboy” gắn liền với tên tuổi của chú trong sự ngưỡng mộ vượt bực của Biệt Kích Mỹ?

Ông cười vang:
- Do từ một câu chuyện được nhắc rồi nhớ chứ thực sự bản thân chú không nhớ.
Đó là sau lần đụng địch bị thương phải cưa bỏ chân và không thể tác chiến được nữa, Cowboy được điều phái đến phòng truyền tin.

Một buổi sáng mở cửa phòng làm việc, Cowboy Khánh Đoàn bất ngờ thấy trong phòng lố nhố các trưởng ban, một số sĩ quan, và một người Mỹ ăn vận dân sự. Một trưởng ban giới thiệu Cowboy với người Mỹ này:

- Đây là người mà ông đã muốn gặp từ tối qua đến giờ.
Người Mỹ quay qua chăm chú nhìn Cowboy, hỏi một loạt “Mày là Cowboy?”, “Mày trú đóng tại Tiền Doanh 1?”, “Mày thuộc toán thám sát ALABAMA?”, “Mày giữ vị trí 02?”.
Cowboy đi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Mỗi câu hỏi được đáp với một cái gật đầu.
- Mày có biết tao là ai không?
Lần này câu trả lời là cái lắc đầu kèm theo cái nhíu mày.
Người Mỹ tiến sát gần, nhìn sâu vào mắt Cowboy:
- Mày đúng là Cowboy rồi.
- Thì chớ sao nữa!
- Ô-kê, nếu mày thực sự là Cowboy thì tao sa thải mày ngay từ lúc này.
Đến lúc đó thì Cowboy nổi nóng. Bản chất ngang tàng trỗi dậy, Cowboy lớn tiếng:
- Tao cóc cần biết mày là ai hết. Tao chỉ biết mày đuổi việc tao là hết sức phi lý vì tao đang cần tiền nuôi vợ con. Cho tao biết lý do sa thải đi.
- Rõ ràng mày không biết hoặc không nhớ tao là ai hết sao?
- Tao đã nói tao chẳng nhớ mày là thằng quái nào rồi mà.
- Tao đã cố tình nhắc đến Tiền Doanh 1, rồi toán thám sát ALABAMA, rồi vị trí 02, vân vân, thế mà mày vẫn không thèm nhận ra tao nữa ư?
Giọng nói lộ vẻ thất vọng rõ rệt, rồi bất ngờ người Mỹ dang hai tay ôm ghì lấy Cowboy thiếu điều nghẹt thở, đoạn quay qua nói với mọi người:
- Cái cấp bậc trung tá của tao ngày hôm nay là của nó. Cái chức vụ Chỉ huy trưởng Cố vấn Quân Đoàn 1 sắp tới của tao cũng là của nó.
Cowboy đứng như trời trồng, ngẩn ngơ.
Người Mỹ ăn vận dân sự chính là trung tá Granham. Cùng ngày, tại buổi lễ nhận chức vụ mới, vị trung tá kể lại câu chuyện trước sự hiện diện của các chiến hữu tham dự.

“Ngày đó, trung tá Granham còn là đại úy, nhận nhiệm vụ truyền tin nhập với toán Cowboy. Xảy ra đụng địch, phía đối phương quăng lựu đạn chày. Máu toé đầy mặt viên đại úy khiến hắn tối tăm mặt mũi không mở mắt được, giãy giụa, thét la đau đớn.

Cowboy lúc đó đang ẩn nấp sát bên cạnh viên đại úy, cảm thấy bất ổn, không còn giải pháp nào khác hơn, chỉ còn cách chĩa họng súng ngang mang tai hắn ta, rít khẽ:

- Mày không im miệng là tao cho mày đi luôn.
- Tao trúng rồi. Làm sao đây?
- Để tao tính.

Từng được huấn luyện cứu thương, Cowboy mở vội ba-lô sơ cứu tại chỗ: băng bó tạm, tiêm ngay morphin để viên đại úy bớt rên rỉ. Viên đại úy vẫn không thể mở mắt được nên Cowboy quyết định chớp nhoáng: lệnh cho toán ở lại cự địch và đồng thời bắn yểm trợ để anh cõng viên đại úy chạy đến nơi trực thăng cứu thương sẽ đáp. Với khuôn mặt nhòe nhoẹt máu và bệt bùn đất, viên đại úy nằm đó nghe rõ mồn một chỉ thị của Cowboy, gượng bò lên bám vai anh, trút bỏ ba-lô cá nhân để giảm trọng lượng, gắng nương theo để Cowboy cõng chạy men theo sườn đồi.

Những tưởng rằng chiến tranh khiến con người ta trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn nhưng kỳ thực chính chiến tranh tạo ra lắm thứ hết sức đời thường. Cái đời thường ở đây chính là tình chiến hữu sống chết có nhau.

Hai tiếng đồng hồ có dư, tính từ lúc Cowboy cõng chạy người chiến hữu bị thương trên lưng và miệng liên tục thốt ra lời khích lệ trong giọng nói hổn hển, ngắt quãng: “Mày ráng chút nữa. Đừng lo. Có tao bên mày đây.” Khoảng cách đến bãi đáp không quá xa nhưng sức nặng quá tải khiến Cowboy phải nghiến răng, thở hồng hộc lên đồi xuống dốc. Vùng biên giới Lào tựa chảo đang rang cát. Nóng thiêu. Khô bỏng. Mồ hôi tuôn ròng mờ mắt. Hai thân người đổ chập thành một bóng dài trong một đôi chân đang rảo chạy. Đôi chân vững chãi ấy có vài lần chậm lại để liên lạc truyền tin hay quan sát tình hình, phán đoán, và quyết định hành động ứng biến. Chỉ khi nghe tiếng cánh quạt của trực thăng nặng nề vang dội trên đầu thì Cowboy biết mình đã tròn trách nhiệm với chiến hữu.

Biệt Kích Lôi Hổ đa số là dân tứ xứ ở Việt Nam, trai tráng độc thân, vào sinh ra tử cùng nhau biết bao lần, lúc bình thường cũng như lúc lâm nguy họ đều chia sẻ hy sinh cho nhau. Họ không có gì để mất mát hay đổi chác nên cũng chẳng cần bon chen, so đo tính toán. Họ không thích bị ai ăn hiếp và quan niệm cái quý giá nhất là mạng sống con người. Dẫu chỉ còn một chiến hữu sống sót thì cũng phải bằng mọi giá đưa người chiến hữu ấy trở về cho bằng được. Đối với Biệt Kích Lôi Hổ, tình huynh đệ chi binh ngấm vào xương vào máu họ rồi. Cowboy cho rằng điều mình làm không là ngoại lệ.

Thành thử ra, sau khi viên đại úy bị thương được tải lên trực thăng an toàn, Cowboy quay trở lại nhập toán cùng anh em tiếp tục thi hành nhiệm vụ. Cowboy quên phắt câu chuyện.

Ngược lại, những giờ phút sống chết bên nhau thấm đẫm tình chiến hữu lại không dễ phai mờ trong tâm trí của viên đại úy ngày đó tức viên trung tá khi gặp lại Cowboy. Lời kết ông gửi đến các chiến hữu đang lắng nghe câu chuyện là: “Tôi tuy là người Mỹ nhưng rất ngưỡng mộ Biệt Kích Việt. Họ liều lĩnh, bất khuất, và nhất là không bỏ rơi chiến hữu. Cowboy lúc đó đã có thể bỏ rơi tôi vì tôi rên la làm cho đối phương dễ truy kích và có thể bắn chết anh ấy nhưng Cowboy đã không màng đến mạng sống của mình mà còn tìm cách an ủi cho tôi giảm đau đớn. Từ trước đến nay tôi chưa phục ai mà chỉ phục Cowboy. Một Cowboy thực sự.”

Lần “sa thải” đó đã cất nhắc Cowboy lên chức vụ đại đội trưởng Đại đội An ninh Cố vấn Quân Đoàn 1.

Các lời khâm phục từ Biệt Kích Mỹ được miệng truyền miệng nhanh chóng. Thêm nhiều câu chuyện được kể về những lần đụng địch khác mà Cowboy cùng vào sinh ra tử với anh em và sự ứng biến tài tình của Cowboy đã cứu nguy cho cả toán. Biệt danh “Cowboy” là một dấu ấn vinh dự trong cuộc đời cầm súng của ông.

Nhân khi tôi nhắc hỏi về chuyện cái chân bị cưa bỏ sau lần đụng địch, Cowboy bồi hồi:

- Cháu có biết không, sở dĩ chú nhớ quá rõ ngày 19 tháng 8 năm 1971 vì đó là ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trong bài diễn văn của ông rằng “Ai đứng trên giòng sông Tchepone (Lào) thì người đó thắng cuộc.” Điều trùng hợp là ngày đó toán thám sát của chú đang ở trên giòng sông Tchepone. Chú bị thương ở chân và được trực thăng tải về trị thương tại Bệnh viện 95 của Mỹ ở Đà Nẵng. Không may là cái hố mà anh em kéo chú ra khỏi là một hố bom nên chân chú bị nhiễm trùng gây sốt cao. Các bác sĩ hội chẩn và báo cho chú biết phải cưa khúc chân đó bằng không sẽ bị hoại tử mà chết.

- Xem ra chú không còn lựa chọn nào khác ngoài giải pháp cưa bỏ chân?
- Không phải vậy cháu ạ. Cháu nghĩ xem, chú sinh ra để chiến đấu mà bây giờ cắt bỏ chân thì chi bằng để chú chết sướng hơn.
Ông trầm ngâm giây lát và nói tiếp:

- Cháu biết mà, bác sĩ Mỹ chỉ thực hiện ca mổ với sự đồng ý của bệnh nhân, cụ thể là ký vào giấy tờ hoặc có nhân chứng. Y sĩ đoàn thấy xem ra khó thuyết phục để chú đồng ý cưa bỏ chân nên họ ngầm vận động các toán Biệt Kích Mỹ-Việt kéo đông đến bệnh viện vòng trong vòng ngoài nhất mực khuyên chú cưa bỏ chân để anh em còn thấy mặt.

Rồi ông chùng giọng:

- Hỏi cháu rằng chú còn biết nói gì nữa? Anh em sống chết hết lòng với nhau là vậy. Thời gian trị thương tưởng nhanh nhưng hóa ra lâu quá, mãi đến tháng tư năm sau chú mới được xuất viện. Chẳng phải vì bác sĩ Mỹ không giỏi đâu, ngược lại đằng khác, nhưng là do chú: đang ngồi xe lăn mà thấy anh em đến thăm là chú đứng bật dậy đi hiên ngang về phía họ định tay bắt mặt mừng nhưng quên rằng mình đã cụt chân. Nào phải một lần, ít nhất ba lần như thế nên đầu xương rớt ra, phải làm lại...

Ký ức về thời cầm súng hiện hữu trong tim, trong óc Cowboy mỗi ngày, kể bao lâu mới hết!

Cách đây hơn 5 năm, Cowboy được vinh danh là hội viên danh dự của Hiệp Hội Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ bao gồm các hội viên từ các cuộc chiến tranh Thế giới thứ hai, Triều Tiên, Việt Nam, Grenada, Somalia, vùng Balkans, Afghanistan, Iraq, vân vân. Dịp đó, một người Mỹ ăn vận dân sự sải bước đến vỗ vai thân mật hỏi Cowboy “Mày nhận ra tao không hả Cowboy? Tụi mình cùng là toán viên tại Tiền Doanh 1 đây mà.” Người Mỹ dân sự chính là cựu thiếu tướng Eldon A. Bargewell. Thấy Cowboy gục gặc đầu, ông tướng cười sảng khoái “Mày chịu nhận tao rồi vậy tụi mình chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm đi, Cowboy.”

Nhân thể, tôi liên tưởng đến một vị tướng khác, chuẩn tướng Terry Tucker, thời còn tại nhiệm với chức vụ chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Nhiệm Hỗn Hợp (Joint Task Force Full Accounting – JTFFA) vào cuối thập niên 90, đã hết lời ca ngợi khi bất ngờ biết được Cowboy tuy đã mất một chân mà vẫn tình nguyện sang Lào để hỗ trợ đội công tác tìm kiếm hài cốt của các biệt kích Mỹ trong nhiều năm liền. Nghe tôi nhắc nhớ, Cowboy chia sẻ với tôi rằng ông chỉ đơn thuần muốn đem đến một sự an ủi cho hương hồn của các Biệt Kích Mỹ-Việt, các chiến sĩ Thần Phong còn bơ vơ trong rừng núi bạt ngàn của xứ người, chưa được trở về đất mẹ.

Góp công sức tìm kiếm chiến hữu mất tích đã đành, mà đối với chiến hữu đã hy sinh, Cowboy cũng đậm tình. Tôi biết điều này qua lời kể của Martha Cryan, em gái của Biệt Kích Mỹ Kenneth Cryan. Khi được báo tin về cái chết của anh trai, Martha quá đỗi buồn đau, chỉ ít lâu sau cùng gia đình chuyển sang Châu Âu sinh sống trong suốt 24 năm. Khi trở lại Mỹ, điều đầu tiên cô làm là đến thăm anh trai Kenneth tại Nghĩa Trang Quốc Gia Golden Gate ở Bruno, California, đúng vào Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong. Bất chợt thấy một cựu chiến binh Châu Á trong quân phục và bê-rê xanh đang quì trước mộ của anh trai mình, cô lặng người xúc động. Hỏi ra mới biết rằng Cowboy là chiến hữu của Kenneth. Nhiều năm trước đó khi thông tin về những hoạt động của Biệt Kích Mỹ-Việt ở lãnh thổ Lào chưa được bạch hóa, Martha nào biết gì hơn ngoài sự thông báo về cái chết của Kenneth. Giờ đây cô được nhận niềm an ủi lớn lao là anh trai cô đã từng có chiến hữu đồng cam cộng khổ nhớ đến mình và bất kể dù còn sống hay đã chết, tình đồng đội của họ bất diệt.

Đối với các chiến hữu còn sống vất vưởng bên quê nhà, Cowboy còn trăn trở hơn.

Biệt Kích Lôi Hổ được tuyển mộ để thế thân cho lính Mỹ thành thử ra không có số quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà chỉ có mã hoặc ẩn số do Đơn Vị Nghiên Cứu và Quan Sát cấp phát. Tiếc thay, các toán thám báo Biệt Kích Lôi Hổ trên danh nghĩa chỉ được liệt kê là Đơn Vị Nghiên Cứu và Quan Sát thuộc Bộ Chỉ Huy Trợ Giúp Quân Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam mà không được xem là một đơn vị tác chiến.

Nếu hoàn tất nhiệm vụ, thì sống. Dẫu thương tích đầy mình hoặc thậm chí hy sinh tính mạng, thì không huy chương nào được trao tặng hoặc truy tặng. Bị lộ, bị bắt thì họ không được hưởng chút quyền lợi nào từ qui chế tù binh Genèva; ngay cả các cơ quan nhân đạo quốc tế như Hội Hồng Thập Tự, Hội Ân Xá Quốc Tế cũng không biết cách nào để can thiệp.

Xem ra, một khi người lính tình nguyện gia nhập cuộc chiến không qui ước thì phải chấp nhận qui luật của cuộc chơi. Một cuộc chơi quyết liệt và tàn nhẫn. Dù sống hay chết thì tên của họ cũng đều nằm trong bóng tối.

Cho đến thời điểm hiện tại, Biệt Kích Lôi Hổ vẫn chưa được công nhận thuộc về một quân đội nào, một chính phủ nào. Công nhận tính chính danh của Biệt Kích Lôi Hổ đồng nghĩa với trách nhiệm của chính phủ sở tại là thực hiện quyền lợi cựu chiến binh cho họ.

- Đối với Biệt Kích Lôi Hổ, danh dự được công nhận vẫn là điều quan trọng hơn quyền lợi.
Cowboy thốt lời khẳng khái để rồi lời tâm sự tiếp sau nghe chút gì chua xót:
- Từ ngày đặt chân sang Mỹ, chú đã cùng với anh em phối hợp thu thập chứng cứ, lập hồ sơ để chính phủ sở tại cứu xét trường hợp Biệt Kích Lôi Hổ. Đồng thời, các chiến hữu Biệt Kích Mỹ cũng nỗ lực không ngừng nghỉ để vận động chính giới lưu tâm. Đến giờ này vẫn chưa có được số hồ sơ tại tòa án thì còn nói gì được đây? Thú thực đã có những khi chú rất chán nản.

Chúng tôi ngậm ngùi trao đổi nhau tiếng thở dài tháng tư.
- Xin chú Cowboy đừng tuyệt vọng!
Yên lặng từ đầu giây điện thoại bên kia.
- Chú Cowboy ơi, đừng bỏ cuộc!
Vẫn yên lặng. Tôi ước ao có đôi đũa thần biến ước mơ của Cowboy thành hiện thực hơn là gắng thốt ra những lời an ủi vụng về của mình.

Giây lâu sau Cowboy cất lời khẽ đủ tôi nghe:

- Không đâu! Chú sẽ không tuyệt vọng. Chú sẽ không bỏ cuộc. Anh em còn cần chú.
- Bravo chú Cowboy! Hội ngộ Biệt Kích Mỹ-Việt năm nay, cháu sẽ thu xếp đến sớm trước một ngày để gặp mặt chú.
Kể cũng lạ! Chú cháu tôi ở cách nhau chưa đầy hai tiếng đồng hồ lái xe, vậy mà không chịu gặp mặt ngay.
Phải đợi thêm một thời gian nữa sẽ đáp máy bay đến một nơi họp mặt để chung tay chung sức và để cùng chia sẻ về một hy vọng một ngày trong tương lai Biệt Kích Lôi Hổ gốc Việt sẽ được công nhận là cựu chiến binh Mỹ, những người đã từng cống hiến và hy sinh trong công cuộc bảo vệ chính nghĩa.

Vậy mới là duyên ngộ. Phải vậy không chú Cowboy?

*

Chú thích của người viết: 02 là chức vụ thông ngôn trong các toán thám sát của Biệt Kích Lôi Hổ.

Orchid Thanh Lê